Tội giết người theo quy định của pháp luật hình sự


Tại điều 123 Bộ luật hình sự 2015 tuy không mô tả các dấu hiệu của tội danh này nhưng từ thực tiễn có thể nhận định rằng, tội giết người là hành vi cố ý tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác.

 

 
  1. Các dấu hiệu pháp lí

Về hành vi khách quan, đó là hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác, chứa đựng khả năng gây ra cái chết cho họ chấm dứt sự sống của họ. Những hành vi không có khả năng này thì không thể là hành vi khách quan của tội giết người. Hành vi này có thể là hành vi hành động như: bắn, đâm, chém,…nhưng cũng có thể là hành vi không hành động – nghĩa là trong trường hợp đó, pháp luật bắt buộc ai đó có nghĩa vụ phải hành động, phải làm những việc nhất định để đảm bảo sự an toàn về tính mạng cho người khác nhưng họ lại không làm, không thực hiện. Ví dụ: Người mẹ không có con mới đẻ của mình ăn, uống. Trong trường hợp này, người mẹ không thể chối bỏ trách nhiệm, nghĩa vụ chăm sóc con của mình nhưng người mẹ này đã làm thế. Đó không thể khách là hành vi không hành động giết người.

Thứ nữa, hành vi này còn phải là hành vi trái pháp luật. Nghĩa là những trường hợp tước đoạt tính mạng của người khác được pháp luật cho phép như thi hành án tử hình hoặc phòng vệ chính đang (điều 22 BLHS) thì không phạm tội giết người.

Về đối tượng tác động của hành vi phải là người còn đang sống. Thời điểm bắt đầu của sự sống được tính từ lúc người đó sinh ra và kết thúc khi nó thực sự chấm dứt. Trong cả  những trường hợp mặc dù nạn nhân đã chết trên thực tế nhưng hung thủ tin rằng nạn nhân vẫn còn sống và thực hiện hành vi giết người thì vẫn phạm tội giết người. Thuộc trường hợp giết người chưa đạt do nhầm lẫn đối tượng tác động. VD: A do có thù với B nên nửa đêm lén lút vào nhà B khi B đang ngủ hòng đâm chết B nhưng không biết rằng B đã chết trước đó do bị tai biến. Như vậy, mặc dù A đâm một người đã chết nhưng A vẫn phạm tội giết người chưa đạt nếu như cơ quan điều tra chứng minh được ý thức chủ quan của A tin rằng B vẫn còn sống.

Từ thực tiễn còn có trường hợp tự tước đoạt mạng sống của chính mình. Vậy thì hành vi này cũng không thể coi là hành vi phạm tội giết người. Hoặc có trường hợp tước đoạt tính mạng của người khác nhưng động cơ là do chính người đó yêu cầu. Như vậy, hành vi này phải mang tính nhân đạo, chấm dứt sự đau khổ khéo dài cho họ ở cuộc sống hiện tại. Tuy nhiên, trường hợp này vẫn phạm tội giết người ở Việt Nam mặc dù ở một số quốc gia trên thế giới hiện này đã hợp pháp hóa “quyền được chết” của con người.

Về hậu quả của tội phạm được xách định là hậu quả chết người. Như vậy, tội giết người chỉ hoàn thành khi có hậu quả chết người. Nếu hậu quả chết người không xảy ra vì nguyên nhân khách quan thì hành vi phạm tội bị coi là tội giết người chưa đạt khi mà lỗi của hung thủ là lỗi cố ý trực tiếp còn khi hung thủ có lỗi cố ý gián tiếp thì có thể phạm tội cố ý gây thương tích. Ví dụ, A đâm B.  A biết rằng hành vi của mình là nguy hiểm, biết trước rằng hậu quả B chết có thể xảy ra nhưng A vẫn mong muốn nó xảy ra. Tuy trên thực tế B chưa chết nhưng A vẫn phạm tội giết người chưa đạt. Với tội giết người chưa đạt thì khi quyết định hình phạt sẽ nhẹ hơn. Cùng trường hợp đó, A dù không mong muốn nhưng có ý thức bỏ mặc việc B chết hay không, nghĩa là chết cũng được, không chết cũng được, chấp nhận mọi hậu quả xảy ra thì A sẽ phạm tội cố ý gây thương tích nếu đủ cấu thành tội này.

Về mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả chết người, theo nguyên tắc chung, người phạm tội chỉ chịu trách nhiệm về hậu quả do chính hành vi của mình gây ra. Nguyên tắc này đòi hỏi phải xác định hậu quả chết người có quan hệ nhân quả với hành vi khách quan của người bị buộc phải chịu TNHS về tội giết người. Để xác  định được vấn đề này trong thực tế có rất nhiều trường hợp phức tạp mà cần đến sự hỗ trợ của giám định pháp y.

Về lỗi của chủ thể được xác định là lỗi có ý, có thể là cố. Lỗi cố ý trực tiếp được hiểu là người phạm tội thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra nhưng vì mong muốn hậu quả đó nên đã thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp có lỗi cố ý gián tiếp, người phạm tội nhận thức hành vi của mình có khả năng nguy hiểm đến tính mạng người khác, tháy trước hậu quả chết người có thể xảy ra nhưng để đạt được mục đích của mình người phạm tội có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra hay nói cách khác, họ có ý thức chấp nhận hậu quả đó (nếu xảy ra). Trong trường hợp hậu quả chết người đã xảy ra, việc xác định lỗi cố ý trực tiếp hay cố ý gián tiếp không thực sự quan trọng trong việc định tội nhưng nếu hậu quả chết người chưa xảy ra thì điều này nhằm để xác định là phạm tội giết người chưa đạt hay cố ý gây thương tích. Trong thực tiễn áp dụng luật hình sự, việc xác đinh lỗi là rất phức tạp chứ không hề đơn giản 

2. Hình phạt

Mức 1: Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

Mức 2: Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

Mức 3: Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Mức 4: Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

 

Tóm lại, tại điều 123 BLHS quy định tội giết người mặc dù không mô tả các dấu hiệu pháp lí một cách cụ thể nhưng dựa vào thực tiễn, chúng ta đã chỉ ra được những dấu hiệu pháp lí cần thiết để chứng minh một người có phạm tội giết người hay không. Từ đó cũng chỉ ra những tình tiết làm tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với hành vi giết người. Những tình tiết trên tuy không phải là những dấu hiệu định tội nhưng là những tình tiết cho thấy mức độ nguy hiểm hơn, vô nhân đạo hơn đối với hành vi giết người thông thường.

 

3. Câu hỏi từ quý khách hàng

 

3.1. "Giết" một người đã chết có phạm tội giết người

Tội giết người là hành vi cố ý tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác. Rõ ràng chúng ta phải hiểu rằng để tước đoạt tính mạng của người khác thì người đó phải còn tính mạng, nghĩa là còn sống. Theo tư duy thông thường thì nếu đâm một người đã chết thì không thể nào phạm tội giết người được vì nguyên nhân của cái chết không phải do hành vi đâm gây ra.

Tuy nhiên, trong pháp luật hình sự thì nếu khi đâm người đó mà bạn tin rằng người đó vẫn còn sống thì bạn vẫn có thể phạm tội giết người chưa đạt do nhầm lẫn đối tượng tác động. Giống như việc bạn đi mua phải ma túy giả nhưng tâm lý bạn tin đó vẫn là ma túy thật thì bạn vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, vì hậu quả không phải là do bạn gây ra nên hình phạt đối với trường hợp này tất yếu sẽ nhẹ hơn.

Kể cả trong trường hợp bạn biết rằng người đó đã chết mà bạn vẫn dùng dao đâm vào cơ thể họ thì rất có thể bạn sẽ phạm tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt được quy định tại điều 319 BLHS.

Như vậy, việc ai đó đâm một người đã chết có phạm tội hay không phụ thuộc vào ý chí của người đó. Nếu họ tin rằng người mà họ đâm còn sống thì sẽ phạm tội giết người chưa đạt. Còn nếu họ biết rằng người họ đâm đã chết thì rất có thể sẽ phạm tội xâm phạm thi thể. Tuy nhiên, để chứng minh ý chí của người phạm tội là không hề đơn giản. 

 

3.2. Chỉ đánh người nhưng vô tình khiến họ chết thì có phải là giết người không? 

Việc đánh người có thể coi là hành vi cố ý gây thương thích đối với người khác. Nhưng đối với hậu quả chết người thì thái độ tâm lí của bạn như thế nào? Điều này có ý nghĩa quyết định tới vấn đề bạn có phạm tội giết người hay tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người (hình phạt đối với hai tội này là khác nhau). Ở đây, chúng tôi hiểu rằng hậu quả chết người “không may” xảy ra, nghĩa là vô ý. Hậu quả này nằm ngoài ý chí của bạn. Điều này có ý nghĩa quyết định tới việc bạn không phạm tội giết người. Trong trường hợp bạn có lỗi cố ý với hậu quả chết người thì tất yếu bạn đã phạm tội giết người.

Tuy nhiên, việc chứng minh bạn có lỗi vô ý đối với hậu quả chết người không phải là chuyện dễ dàng. Nó phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thuộc về mặt khách quan, mặt chủ quan của tội phạm ví dụ như: mục đích của bạn đánh người là gì, mức độ, cường độ tấn công nạn nhân như thế nào, vị trí mà bạn đánh nạn nhân có nguy hiểm không, hung khí bạn sử dụng là gì?...

Vì tất cả những lẽ đó, chúng tôi cho rằng bạn không phạm tội giết người. Tuy nhiên, để chứng minh được điều này, bạn nên có những chuyên gia trong lĩnh vực hình sự để giúp đỡ bạn bởi lẽ, trong những tình huống cụ thể thì việc xác định lỗi cố ý hay vô ý chưa bao giờ đơn giản đối với người không có kiến thức pháp lí và thực tiễn mà muốn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

 

3.3. Đánh chết trộm vào nhà có phạm tội giết người không? 

Hành vi đánh chết người chắc chắn là một hành vi giết người. Tuy nhiên, việc giết người tùy tính chất, mức độ, tình tiết của vụ án mà xác định có tội hay không có tội? Có tội thì tội gì và không có tội thì là trường hợp nào?

Trong trường hợp này, cần phải xác định rõ xem hành vi của tên trộm và hành vi đánh chết tên trộm của chủ nhà có tương xứng hay không. Có 3 trường hợp có thể xảy ra:

Một là, giả sử tên trộm đột nhập vào nhà nhưng không mang theo hung khí nguy hiểm, khi bị phát hiện không có hành vi chống trả,…mà chủ nhà lại có hành vi đánh chết tới cùng mới thôi thì rõ ràng anh ta đã phạm tội giết người. Tình tiết tên trộm đột nhập vào nhà chỉ được lại là tình tiết giảm nhẹ. Trên thực tế, đã có vụ việc như vậy và tòa án vẫn xét xử về tội giết người.

Hai là, tên trộm đột nhập vào nhà mang theo hung khí nguy hiểm, có hành vi chống trả nhưng chủ nhà đã khống chế được tên trộm hoặc có khả năng khống chế được nhưng lại đánh chết. Đây có thể coi là trường hợp giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Mặc dù tên trộm có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của cá nhân nhưng việc phòng vệ của chủ nhà lại quá mức cần thiết được pháp luật cho phép thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, hình phạt đối với trường hợp này nhẹ hơn rất nhiều so với giết người thông thường

Ba là, tên trộm đột nhập vào nhà mang theo hung khí nguy hiểm, có hành vi chống trả muốn giết người để cướp của. Lúc này, tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi trộm cắp đã chuyển hóa theo hướng khác, nếu chủ nhà đánh chết hoàn toàn có thể coi đó là phòng vệ chính đáng và không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Việc đánh giá có phải là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không trên thực tế rất phức tạp, nó phụ thuộc vào các yếu tố: tính chất quan trọng của quyền hoặc lợi ích bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại; mức độ thiệt hại mà hành vi tấ công của kẻ trộm có thể gây ra; sức mãnh liệt của hành vi tấn công của tên trộm và khả năng ngăn chặn hành vi tấn công của chủ nhà trong trường hợp cụ thể.

Như vậy, có thể nói rằng ranh giới giữa phòng vệ chính đáng và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng đôi khi rất mong manh. Trong những tình huống cụ thể, phải xem xét tất cả các tình tiết của vụ án một cách cẩn trọng để đánh giá và định tội chính xác nhất. Pháp luật Việt Nam và thực tiễn xét xử cũng có rất nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Chính vì lẽ đó, khi trộm vào nhà cần phải tỉnh táo để có cách hành xử một cách hợp lí nhất và khi sự việc chết người xảy ra, cần có sự giúp đỡ của những chuyên gia pháp lí để bảo vệ quyền, lợi ích tốt nhất cho gia chủ.

3.4. Giết người đang có thai thì đi tù bao nhiêu năm?

Việc giết người là hành vi vô cùng nguy hiểm cho xã hội, tước đoạt quyền được sống của người khác – quyền tối cao được pháp luật hình sự bảo vệ. Đã vậy, việc giết một người phụ nữ mang thai là một hành vi vô nhân đạo vì nó không chỉ tước đoạt mạng sống của họ mà còn tước đoạt đi cơ hội sống của một thực thể sắp ra đời. Nói như vậy để thấy được mức độ nghiêm trọng của hành vi giết người đang mang thai và lí do mà pháp luật hình sự xử lí thích đáng đối với hành vi như vậy.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, khi giết người thì không biết rằng người đó đang mang thai thì tất nhiên không thể thuộc trường hợp được quy định tại điểm c khoản 1 điều 123 BLHS có khung hình phạt từ 12 đến 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình. Một nguyên tắc vô cùng quan trọng của pháp luật hình sự đó là không được buộc tội khách quan. Trên thực tế là một người phụ nữ đang mang thai bị giết nhưng ý thức chủ quan của người phạm tội không thể biết, hoặc không buộc phải biết và có căn cứ một cách xác đáng thì không thể buộc tội họ thuộc điểm c khoản 1 điều 123 BLHS được.

Chính vì lẽ đó, khung hình phạt đối với hành vi trong câu hỏi có thể thuộc vào khoản 2 điều 123 BLHS: từ 07 đến 15 năm tù. Điều này là không thực sự chắc chắn bởi để có thể xác định được khung hình phạt cụ thể còn phải đánh giá ngoài tình tiết giết người đang mang thai thì còn có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào thuộc vào khoản 1 điều này nữa không? Vậy nên, tốt nhất để bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho mình, khi phạm tội mà có nguy cơ chịu hình phạt nặng như vậy cần phải có người bào chữa có nhiều kinh nghiệm.

 

3.5 Giết người đang thi hành công vụ thì tù bao nhiêu nằm?

Giết người là hành vi tước đoạt trái phép mạng sống của người khác. Trong trường hợp giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lí do công vụ thì có thể coi đây là tình tiết định khung tăng nặng thuộc điểm d, khoản 1, điều 123 BLHS và có mức hình phạt cao nhất là tử hình.

Tuy nhiên, với câu hỏi này, cần phải xác định rằng nạn nhân có đang thi hành công vụ hay không? Theo quy định của pháp luật thì  công vụ được hiểu là hoạt động theo đúng pháp luật của chủ thể được cơ quan nhà nước nhằm thực hiện nhiệm vụ quản lí nhà nước bao gồm quản lí hành chính, tố tụng và thi hành án. Như vậy, nếu nạn nhân là người có chức vụ quyền hạn mà lại làm trái pháp luật thì rõ ràng không thể coi là thi hành công vụ. Vì lẽ đó, trường hợp này không thể coi là tình tiết định khung tăng nặng thuộc khoản 1 và tất nhiên là không thể bị tử hình.

Đối với những trường hợp cụ thể, khi một người có hành vi trái pháp luật xâm hại quyền và lợi ích của người khác mà bị họ tấn công lại thì có thể coi đây là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hoặc rất có thể thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng nên không coi đó là tội phạm.

Tuy nhiên, trong những trường hợp cụ thể thì còn rất nhiều tình tiết để đánh giá và quyết định hình phạt đối với hành vi phạm tội. Vậy nên, khi rơi vào những tình huống như vậy, chúng ta cần có những người nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp lí bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình.

 

4. Luật sư có thể giúp gì được trong những trường hợp phạm tội giết người?

Thứ nhất, liên hệ với Luật sư hình sự hoặc người có kinh nghiệm giải quyết các vụ án hình sự để được tư vấn về phương án xử lý vụ việc. Thời điểm ban đầu của vụ án nếu được tư vấn hướng đi chính xác thì không chỉ giúp bạn giảm nhẹ tội danh mà còn đỡ bị mất tiền, tốn kém chi phí nhưng lại không được việc.

Thứ hai, đánh giá sơ bộ tính chất, mức độ của hành vi phạm tội để ước lượng mức án mà mình có thể phải nhận. Đồng thời chuẩn bị các tình tiết giảm nhẹ để phục vụ cho việc xin giảm nhẹ hình phạt sau này.

Thứ ba, bạn có thể tự mình hoặc cùng với Luật sư tham gia làm việc, cung cấp lời khai cho cơ quan công an để giải quyết vụ án theo hướng có lợi nhất cho mình.

Thứ tư, tự mình hoặc cùng với Luật sư xây dựng phương án bào chữa trong giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử sao cho có lợi nhất. Các phương án có thể là đề nghị Tòa án tuyên vô tội; Đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung; Xin giảm nhẹ hình phạt (Xin hưởng án treo, cải tạo không giam giữ); Miễn trách nhiệm hình sự,..

Thứ năm: Lên kế hoạch thi hành án và tìm hiểu trước các quy định, phương án để được đại xá, đặc xá ra tù trước thời hạn theo bản án.

══════════════════════════════════

Liên hệ Luật sư làm việc tại Văn phòng, chi nhánh ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Nhật Bản,... theo các phương thức sau:

Email: Luathungbach@gmail.com/Luathungbach.hcm@gmail.com

Điện thoại: 0971115989 (có Zalo) 

Fanpage: https://www.facebook.com/LuatHungBach

Website: https://lhblaw.vn/ - https://luathungbach.vn/ - http://trungtamdichuc.com/

Luật Toàn Dân - Pháp luật dành cho mọi người dân!

 

 

Chia sẻ bài viết


facebook.png twitter.png google-plus.png

Tìm kiếm






Hotline: 0969 449 828

Dịch vụ nổi bật