Thời điểm, địa điểm mở thừa kế.


Điều 611: Thời điểm, địa điểm mở thừa kế

1. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.

2. Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản.

 

* Thời điểm mở thừa kế:

    “Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết”. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế và những người liên quan đến di sản thừa kế. Một người đã chết có thể được hiểu theo hai nghĩa là chết về mặt sinh học và chết về mặt pháp lý. Do vậy, tùy từng trường hợp mà thời điểm mở thừa kế có thể được xác định theo ngày, tháng, năm hoặc được xác định chính xác đến giờ, phút cụ thể. 

    Trong trường hợp một người chết về mặt sinh học như ốm chết, tai nạn,…thì thời điểm người đó chết sẽ căn cứ vào giấy báo tử hoặc giấy tờ khác thay thế. Ví dụ như giấy báo tử do Ủy ban nhân dân cấp xã cấp nơi người đó chết trong trường hợp chết thông thường; do Thủ trưởng cơ sở y tế cấp giấy báo tử đối với người chết tại cơ sở y tế; hay văn bản xác nhận của cơ quan công an hoặc kết quả giám định của cơ quan giám định pháp y đối với người chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn, bị giết,…

    Trong trường hợp một người bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày Tòa án xác định người đó chết. Nếu không xác định được ngày chết của người bị tuyên bố chết thì tùy từng trường hợp Tòa án sẽ xác định theo Khoản 1 – Điều 71BLDS 2015. Theo đó người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong trường hợp sau đây:
- Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

- Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

- Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

- Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết. Thời hạn 05 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.

    Việc xác định thời điểm mở thừa kế có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định di sản thừa kế. Kể từ thời điểm mở thừa kế, các quyền tài sản của người chết được chuyển cho những người thừa kế. Trên thực tế có những trường hợp thời điểm chia di sản thừa kế được tiến hành sau một khoảng thời gian thời điểm mở thừa kế nên khó tránh khỏi việc di sản có sự biến động, mất đi hay tăng thêm giá trị so với giá trị ban đầu. Nên việc xác định thời điểm mở thừa kế sẽ là mốc thời gian để xác định trách nhiệm của người gây thiệt hại hoặc xác định rõ số di sản cần chia.

    Ngoài ra, thời điểm mở thừa kế còn là mốc thời gian để xác định người thừa kế của người chết. Bởi vì, theo quy định tại Điều 613 BLDS 2015 người thừa kế nếu là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế; nếu người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế; nếu người thừa kế là cá nhân sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế thì phải đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.

    Việc xác định thời điểm mở thừa kế còn có ý nghĩa trong việc xác định thời điểm có hiệu lực của di chúc. Di chúc có hiệu lực kể từ thời điểm người lập di chúc chết. Khoảng thời gian từ khi lập di chúc cho đến khi người lập di chúc chết có thể kéo dài một khoảng thời gian, trong khoảng thời gian đó tài dản được ghi trong di chúc có thể bị mất đi hay tăng lên, nên việc chia di sản thừa kế sẽ bị ảnh hưởng theo. Hoặc trong trường hợp người đó lập nhiều bản di chúc cùng định đoạt về một phần tài sản thì di chúc sau cùng sẽ có giá trị pháp lý.

    * Địa điểm mở thừa kế:

    Địa điểm mở thừa kế là nơi làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ của người thừa kế, nơi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết việc thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật, giải quyết quyền và lợi ích của những người thừa kế và những người có liên quan đến di sản. Theo đó,“Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản”. Việc xác định địa điểm mở thừa kế có thể theo nơi cư trú hoặc nơi có tài sản của người để lại di sản và tuân theo thứ tự sau:

- Địa điểm mở thừa kế là nơi cuối cùng của người để lại di sản  vì nơi cư trú cuối cùng thường là nơi người đó có tài sản, nơi phát sinh các quyền tài sản và nghĩa vụ tài sản của người đó. Vì vậy, đó là nơi thuận tiện cho việc xác định và phân chia di sản.

- Nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản. Trong trường hợp người để lại di sản có tài sản ở nhiều nơi, thì nơi nào có phần lớn tài sản của người đó sẽ được xác định là nơi mở thừa kế.

    Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống, thông thường cá nhân sinh ra ở đâu thì sống và đăng ký hộ khẩu ở đó, nhưng cũng không ít trường hợp nơi đăng ký hộ khẩu khác với nơi người đó thường xuyên sinh sống. Trường hợp không xác định được nơi thường xuyên sinh sống thì nơi cư trú là nơi người đó thực tế đang sinh sống.

    Việc xác định địa điểm mở thừa kế có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến di sản thừa kế như khai báo, thống kê các tài sản bởi dù tài sản được để lại ở nhiều nơi khác nhau nhưng đều phải khai báo, thống kê tại nơi có địa điểm mở thừa kế. Đồng thời xác định được nơi thực hiện việc quản lý di sản, xác định cơ quan có thẩm quyền quản lý di sản của người chết trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý. Và nếu có tranh chấp xảy ra, sẽ xác định nơi để xác định Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết khi có tranh chấp đó.

══════════════════════════════════

TRUNG TÂM PHÁP LUẬT DÂN SỰ - CÔNG TY LUẬT HÙNG BÁCH

Liên hệ Luật sư làm việc tại Văn phòng, chi nhánh ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Nhật Bản,... theo các phương thức sau:

 

Chia sẻ bài viết


facebook.png twitter.png google-plus.png

Tìm kiếm






Hotline: 0969.449.828

Dịch vụ nổi bật