Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân


Điều 109. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân

Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:

1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;

2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm;

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

 

I. Các yếu tố cấu thành tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân

 

1. Mặt khách quan của tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân 

Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân được hiểu là hành vi hoạt động nhằm thành lập tổ chức hoặc tham gia các tổ chức với mục đích lật đổ chính quyền nhân dân. Mặt khách quan của tội phạm này được đặc trưng bởi một trong 2 loại hành vi sau:

a) Có hành vi tiến hành các hoạt động nhằm thành lập tổ chức phản động, hành vi này thể hiện qua việc vạch kế hoạt thành lập tổ chức phản động, đề ra chủ trương, đường lối hoạt động, tuyên truyền, lôi kéo, tập hợp người vào tổ chức… với mục đích nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (như: Soạn thảo cương lĩnh, điều lệ, kế hoạch, chương trình hoạt động, lời kêu gọi, tài liệu huấn luyện…). Hoạt động thành lập các tổ chức bao gồm các hoạt động chuẩn bị thành lập tổ chức, đã hoặc đang tiến hành thành lập tổ chức phản động.

Đối với loại hành vi này thì thời điểm tội phạm hoàn thành khi người phạm tội đề xướng ra chủ trương đường lối cho người thứ hai biết.

b) Có hành vi tham gia tổ chức phản động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. (Chính quyền nhân dân là bộ máy Nhà nước được thiết lập từ Trung ương đến địa phương, đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân. Bộ máy nhà nước Việt Nam gồm có bốn cấp: Trung ương, tỉnh, huyện, xã). Được hiểu là trường hợp có người phạm tội tuy không tham gia thành lập tổ chức phản động nhưng biết rõ mục đích của tổ chức là nhằm lật đổ chính quyền nhân dân và đã tán thành cương lĩnh, điều lệ, tự nguyện đứng vào trong hàng ngũ của tổ chức phản động đó.

Người phạm tội biết rõ được mục đích hoạt động của tổ chức là nhằm lật đổ chính quyền nhân dân nhưng vẫn tự nguyện tham gia vào tổ chức đó. Đối với hành vi này thời điểm tội phạm hoàn thành khi biểu hiện sự đồng ý tham gia vào tổ chức.

Lưu ý: Người chuẩn bị phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

2. Khách thể của tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân

Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến chế độ chính trị, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, uy hiếp đến sự ổn định và phát triển bền vững của chính quyền nhân dân các cấp từ Trung ương đến địa phương.

Tội phạm xâm phạm đến mối quan hệ liên quan đến an ninh quốc gia được pháp luật hình sự bảo vệ như là: Sự tồn tại, phát triển vững mạnh của chính quyền nhân dân.

3. Về mặt chủ quan của tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân

Về lỗi: Người phạm tội thực hiện hành vi do lỗi cố ý trực tiếp với mục đích nhằm lật đổ hoặc đe dọa lật đổ chính quyền nhân dân. Theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015 thì cố ý phạm tội trực tiếp là hành vi của người phạm tội, mà khi đó người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

4. Về chủ thể của tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân

Chủ thể của tội phạm là bất kỳ người nào, có thể là công dân Việt Nam, người nước ngoài, người không quốc tịch, có năng lực trách nhiệm hình sự.

 

II. Về hình phạt đối với tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân

Hình phạt của tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân được chia thành 03 mức, cụ thể như sau:

Mức 1: Có mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc từ hình (áp dụng đối với trường hợp người tổ chức, xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng).

Mức 2: Có mức phạt tù từ 05 năm đến 12 năm (áp dụng đối với người đồng phạm khác)

Mức 3: Có mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm (áp dụng đối với người chuẩn bị phạm tội).

Hình phạt bổ sung: Ngoài việc bị áp dụng một trong các hình phạt chính nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội còn có thể bị tước một số quyền công dân, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. 

 

III. Quy trình, thủ tục xử lý tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân 

Bước 1: Cơ quan Công an có thẩm quyền tiếp nhận, thụ lý và giải quyết tin báo, đơn trình báo, đơn tố giác về hành vi phạm hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Bước 2: Khởi tố vụ án hình sự hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân và khởi tố các bị can thực hiện hành vi phạm tội.

Bước 3: Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền tiến hành truy tố, ra cáo trạng về vụ án hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Bước 4: Tòa án nhân dân có thẩm quyền tiến hành xét xử vụ án hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo quy định của pháp luật.

Bước 5: Thi hành bản án hình sự hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân

Trường hợp gặp phải các vướng mắc liên quan đến tội Cướp tài sản bạn có thể liên hệ trực tiếp số điện thoại đường dây nóng 24h/7 Tổng đài pháp luật hình sự 0971115989 (có Zalo)  để được các Luật sư giỏi, giàu uy tín, kinh nghiệm hỗ trợ, tư vấn miễn phí.

Trân trọng!

 

══════════════════════════════════

Liên hệ Luật sư làm việc tại Văn phòng, chi nhánh ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Nhật Bản,... theo các phương thức sau:

Email: Luathungbach@gmail.com/Luathungbach.hcm@gmail.com

Điện thoại: 0971115989 (có Zalo) 

Fanpage: https://www.facebook.com/LuatHungBach

Website: https://lhblaw.vn/ - https://luathungbach.vn/ - http://trungtamdichuc.com/

Luật Toàn Dân - Pháp luật dành cho mọi người dân!

Chia sẻ bài viết


facebook.png twitter.png google-plus.png

Tìm kiếm






Hotline: 0969 449 828

Dịch vụ nổi bật