Mức bồi thường thiệt hại trong tội cố ý gây thương tích


Hiện nay, những hành vi cố ý gây thương tích do mẫu thuẫn phát sinh thường ngày trong đồi sống là vô cùng phổ biến. Khi gặp phải những vấn đề pháp lí như vậy, rất nhiều quý khách hàng liên hệ với chúng tôi để được hỏi về mức bồi thường trong tội cố ý gây thương tích bao nhiêu là hợp lí, phía người có hành vi phạm tội bồi thường như thế đã đủ chưa, phía nạn nhân đưa ra yêu cầu như thế đã đúng với quy định của pháp luật không.

Để được giải đáp tất cả những câu hỏi đó, vui lòng liên hệ Tổng đài hỗ trợ 24h/7: 0971115989 (có Zalo) để được tư vấn hoặc tham khảo bài viết dưới đây:

 

Vấn đề bồi thường về sức khỏe và tính mạng (trong trường hợp gây thương tích dẫn đến chết người) của nạn trong tội cố ý gây thương tích là vấn đề dân sự trong một vụ án hình sự. Vì vậy, về nguyên tắc, hai bên hoàn toàn có thể thỏa thuận về mức bồi thường mà cả hai đều có thể chấp nhận được. Chỉ trong trường hợp không thể thỏa thuận về mức bồi thường trong tội cố ý gây thương tích thì mới cần đến các quy định của pháp luật cũng như sự can thiệp của các cơ quan tiến hành tố tụng.

1. Về những khoản bồi thường trong tội cố ý gây thương tích

Mức bồi thường trong tội cố ý gây thương tích được tính dựa trên những khoản chi phí thực tế mà nạn nhân đã phải bỏ ra để khắc phục hậu quả cũng như những tổn thất về vật chất và tinh thần mà thân nhân của họ phải gánh chịu. Có ba loại thiệt hại đó là sức khỏe, tính mạng và tinh thần được quy định trong Bộ luật dân sự 2015.

Theo quy định tại Điều 609 Bộ luật dân sự 2015 thì các khoản bồi thường do tbiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được quy định như sau:

1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Theo quy định tại điều Điều 591 Bộ luật dân sư 2015 thì thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm được quy định như sauL

1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định

2. Cách tính mức bồi thường trong tội cố ý gây thương tích

Bồi thường trong trường hợp sức khỏe bị xâm phạm

Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm: tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu... theo chỉ định của bác sĩ; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sĩ; các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có) và các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mắt giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống và khắc phục thẩm mỹ... để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có).

Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại. Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm người bị thiệt hại có thu nhập thực tế, nhưng do sức khỏe bị xâm phạm họ phải đi điều trị và do đó khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó.Thu nhập thực tế của người bị thiệt hại được xác định như sau:

- Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại có thu nhập ổn định từ tiền lương trong biên chế, tiền công từ hợp đồng lao động, thì căn cứ vào mức lương, tiền công của tháng liền kề trước khi người đó bị xâm phạm sức khỏe nhân với thời gian điều trị để xác định khoản thu nhập thực tế của người bị thiệt hại.

- Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại có làm việc và hàng tháng có thu nhập thực tế nhưng mức thu nhập của các tháng khác nhau, thì lấy mức thu nhập trung bình của 6 tháng liền kề (nếu chưa đủ 6 tháng thì của tất cả các tháng) trước khi sức khỏe bị xâm phạm nhân với thời gian điều trị để xác định khoản thu nhập thực tế của người bị thiệt hại.

- Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại có thu nhập thực tế, nhưng không ổn định và không thể xác định được, thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại nhân với thời gian điều trị để xác định khoản thu nhập thực tế của người bị thiệt hại.

- Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại chưa làm việc và chưa có thu nhập thực tế thì không được bồi thường

Thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị được xác định như sau:

- Nếu người chăm sóc người bị thiệt hại có thu nhập thực tế ổn định từ tiền lương trong biên chế, tiền công từ hợp đồng lao động thì căn cứ vào mức lương, tiền công của tháng liền kề trước khi người đó phải đi chăm sóc người bị thiệt hại nhân với thời gian chăm sóc để xác định khoản thu nhập thực tế bị mất.

- Nếu người chăm sóc người bị thiệt hại có làm việc và hàng tháng có thu nhập ổn định, nhưng có mức thu nhập khác nhau thì lấy mức thu nhập trung bình của 6 tháng liền kề (nếu chưa đủ 6 tháng thì của tất cả các tháng) trước khi người đó phải đi chăm sóc người bị thiệt hại nhân với thời gian chăm sóc để xác định khoản thu nhập thực tế bị mất.

- Nếu người chăm sóc người bị thiệt hại không có việc làm hoặc có tháng làm việc có tháng không và do đó không có thu nhập ổn định thì được hưởng tiền công chăm sóc bằng mức tiền công trung bình trả cho người chăm sóc người tàn tật tại địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú.

- Nếu trong thời gian chăm sóc người bị thiệt hại, người chăm sóc vẫn được cơ quan, người sử dụng lao động trả lương, trả tiền công lao động theo quy định của pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội thì họ không bị mất thu nhập thực tế và do đó không được bồi thường.

Trong trường hợp sau khi điều trị, người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc (người bị thiệt hại không còn khả năng lao động do bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên) thì phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

Chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại bao gồm: chi phí hợp lý hàng tháng cho việc nuôi dưỡng, điều trị người bị thiệt hại và chi phí hợp lý cho người thường xuyên chăm sóc người bị thiệt hại.

Chi phí hợp lý cho người thường xuyên chăm sóc người bị thiệt hại được tính bằng mức tiền công trung bình trả cho người chăm sóc người tàn tật tại địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú. Về nguyên tắc, chỉ tính bồi thường thiệt hại cho một người chăm sóc người bị thiệt hại do mất khả năng lao động

Bồi thường trong trường hợp tính mạng bị xâm phạm

Chi phí hợp lý cho việc mai táng bao gồm: các khoản tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo thông lệ chung. Không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ...

Khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi chết. Chỉ xem xét khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, nếu trước khi tính mạng bị xâm phạm người bị thiệt hại thực tế đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Những người đang được người bị thiệt hại cấp dưỡng được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng tương ứng đó. Đối với những người mà người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng nhưng sau khi người bị thiệt hại bị xâm phạm tính mạng, thì những người này được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng hợp lý phù hợp với thu nhập và khả năng thực tế của người phải bồi thường, nhu cầu thiết yếu của người được bồi thường. Thời điểm cấp dưỡng được xác định kể từ thời điểm tính mạng bị xâm phạm.

Đối tượng được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng:

- Vợ hoặc chồng không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và được chồng hoặc vợ là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng;

- Con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà cha, mẹ là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng;

- Cha, mẹ là người không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà con là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;

- Vợ hoặc chồng sau khi ly hôn đang được bên kia (chồng hoặc vợ trước khi ly hôn) là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;

- Con chưa thành niên hoặc con đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi dưỡng là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;

- Em chưa thành niên không có tài sản để tự nuôi mình hoặc em đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có khả năng lao động không có tài sản để cấp dưỡng cho con được anh, chị đã thành niên không sống chung với em là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;

- Anh, chị không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà em đã thành niên không sống chung với anh, chị là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;

- Cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không còn người khác cấp dưỡng mà ông bà nội, ông bà ngoại không sống chung với cháu là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;

- Ông bà nội, ông bà ngoại không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người khác cấp dưỡng mà cháu đã thành niên không sống chung với ông bà nội, ông bà ngoại là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

* Mức bồi thường tổn thất về tinh thần

- Đối với tính mạng bị xâm phạm, mức bồi thường chung khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần trước hết do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho tất cả những người thân thích của người bị thiệt hại phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, số lượng người thân thích của họ, nhưng tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.

- Đối với sức khỏe bị xâm phạm, mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại trước hết do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy đinh tại thời điểm giải quyết bồi thường

3. Nghĩa vụ chứng minh mức bồi thường trong tội cố ý gây thương tích

Người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường thiệt hại phải nêu rõ từng khoản thiệt hại thực tế đã xảy ra, mức yêu cầu bồi thường và phải có chứng từ hoặc giấy biên nhận hợp lệ về các khoản chi phí hợp lý, về thu nhập của người bị thiệt hại.

Người gây thiệt hại yêu cầu giảm mức bồi thường thiệt hại phải có tài liệu, chứng cứ về khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình không đủ để bồi thường toàn bộ hoặc phần lớn thiệt hại đã xảy ra.

Người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại yêu cầu thay đổi mức bồi thường thiệt hại phải có đơn xin thay đổi mức bồi thường thiệt hại. Kèm theo đơn là các tài liệu chứng cứ làm căn cứ cho việc xin thay đổi mức bồi thường thiệt hại. 

 

4. Luật sư có thể giúp gì trong việc giải quyết vụ án và yêu cầu bồi thường đối với tội cố ý gây thương tích

 

Thứ nhất, luật sư có thể tính toán cụ thể, chi tiết các khoản bồi thường thiệt hại một cách chính xác dựa trên những hóa đơn, chứng từ hợp lệ mà các bên cung cấp. 

Thứ hai, luật sư có thể tham gia giúp đỡ để thỏa thuận mức bồi thường hợp tình, hợp lí để bảo vệ lợi ích tối đa cho khách hàng của mình. 

Thứ ba, luật sư có thể tư vấn hoặc tham gia tranh tụng tại tòa án, tiếp xúc và làm việc với cơ quan công an, viện kiểm sát để giúp đỡ khách hàng bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình. 

 

 

══════════════════════════════════

Liên hệ Luật sư làm việc tại Văn phòng, chi nhánh ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Nhật Bản,... theo các phương thức sau:

Email: Luathungbach@gmail.com/Luathungbach.hcm@gmail.com

Điện thoại: 0971115989 (có Zalo) 

Fanpage: https://www.facebook.com/LuatHungBach

Website: https://lhblaw.vn/ - https://luathungbach.vn/ - http://trungtamdichuc.com/

Luật Toàn Dân - Pháp luật dành cho mọi người dân!

 

Chia sẻ bài viết


facebook.png twitter.png google-plus.png

Tìm kiếm






Hotline: 0969 449 828

Dịch vụ nổi bật