Những trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự


Miễn trách nhiệm hình sự là trường hợp một người đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng do đáp ứng được những điều kiện luật định mà họ không phải chịu hình phạt. Chế định này thể hiện rõ ràng nhất tính nhân đạo của pháp luật hình sự theo quy định tại điều 29 của Bộ luật hình sự 2015 về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự. 

1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:

a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

b) Khi có quyết định đại xá.

2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;

c) Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

3. Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Như vậy, có hai trường hợp lớn được xem xét miễn trách nhiệm hình sự là có thể được miễnđương nhiên được miễn.

1. Các trường hợp đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự:

1.1. Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Một hành vi phạm tội được coi là không còn nguy hiểm cho xã hội nữa phải cần phải căn cứ vào các quy định của Nhà nước có liên quan đến hành vi phạm tội được thể hiện bằng các văn bản pháp luật như Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Nghị quyết, các thông tư hướng dẫn thi hành,…

Do thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, pháp luật hình sự quy định đó là hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử thì tình hình đời sống xã hội có sự thay đổi khiến cho hành vi đó không còn nguy hiểm nữa hoặc còn nguy hiểm nhưng tính chất của nó không đến mức phải xử lí hình sự thì sẽ được miễn trách nhiệm hình sự.

Ví dụ: BLHS năm 2015 đã bỏ 11 tội so với bộ luật hình sự năm 1999, trong đó có các tội như: “Tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế”được quy định tại Điều 167;“Tội tảo hôn”được quy định tại Điều 148;“Tội hoạt động phỉ”được quy định tại Điều 83;… thì kể từ ngày BLHS năm 2015 có hiệu lực pháp luật những ngườitrước đây đã thực hiện một (hoặc nhiều) trong các hành vi mà BLHS năm 1999 quy định là tội phạm mà sau ngày BLHS năm 2015 có hiệu lực pháp luật mới bị phát hiện thì được coi là hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội nữa và mặc nhiên người có hành vi này được miễn trách nhiệm hình sự.

1.2. Khi có quyết định đại xá

Theo quy định khoản 11 điều 70 Hiến pháp, thẩm quyền quyết định đại xá chỉ thuộc về Quốc hội. Thông thường, quyết định đại xá được ban hành nhân dịp những sự kiện trọng đại của đất nước nhằm thể hiện sự hoan hồng, nhân đạo của nhà nước đối với người phạm tội. Trong  văn bản đại xá sẽ quy định những hành vi phạm tội xảy ra trước khi ban hành văn bản đại xá thì được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu đã khởi tố, truy tố hoặc xét xử thì phải đình chỉ, nếu đã chấp hành xong hình phạt thì được coi là không có án tích.

2. Trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự

2.1. Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Điều này có nghĩa là: khi thực hiện hành vi phạm tội thì họ là người nguy hiểm cho xã hội nhưng sau đó họ biết ăn năn hối cải, nỗ lực phấn đấu để trở thành người tốt, có ích cho xã hội và xã hội rất cần họ thì nên coi là do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Hoặc người phạm tội phải thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt mà thiếu họ thì nhiệm vụ đó khó hoàn thành, nên các cơ quan tiến hành tố tụng đã miễn trách nhiệm hình sự cho họ dựa vào căn cứ này.

Trong thực tiễn, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng rất ít áp dụng trường hợp này để miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội

2.2. Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa.

Theo khoản 3 điều 7 nghị đinh 76/2003: “Người mắc bệnh hiểm nghèo là người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong hủi, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế coi là bệnh hiểm nghèo.”

Điểm đ Khoản 2 Phần II Hướng dẫn 211/HĐTVĐX ngày 4/6/2010 của Hội đồng tư vấn đặc xá có ghi: “Người mắc bệnh hiểm nghèo là người mắc một trong các bệnh sau: ung thư, bại liệt, lao nặng kháng thuốc, xơ gan cổ chướng; suy tim độ III hoặc suy thận độ IV trở lên; nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS đang có những nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu”.

Tại Khoản 4 Điều 4 Thông tư liên tịch 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn thi hành quy định về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân do Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Tòa án nhân dân tối cao - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành có quy định về người mắc bệnh hiểm nghèo như sau: “Mắc bệnh hiểm nghèo là người đang bị mắc một trong các bệnh như: Ưng thư giai đoạn cuối, liệt, lao nặng kháng thuốc, xơ gan cổ chướng, suy tim độ III trở lên, suy thận độ IV trở lên, nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS đang có nhiễm trùng cơ hội, không có khả năng tự phục vụ bản thân và có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao hoặc mắc một trong các bệnh khác được Hội đồng giám định y khoa, bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên kết luận là bệnh hiểm nghèo, nguy hiểm đến tính mạng.”

Tuy nhiên, không phải trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo nào cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự, mà phải có thêm điều kiện là: không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã. Còn đối với người tuy mắc bệnh hiểm nghèo nhưng họ vẫn còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội thì không được miễn trách nhiệm hình sự.

2.3. Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

Theo quy định tại Điều 4 Bộ luật tố tụng hình sự 2015: “Tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện”.Tội phạm mà người tự thú đã thực hiện chưa bị phát hiện, tức là chưa ai biết có tội phạm xảy ra hoặc có biết nhưng chưa biết ai là thủ phạm.

Người tự thú phải khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, tức là khai đầy đủ tất cả hành vi phạm tội của mình cũng như hành vi phạm tội của những người đồng phạm khác, không giấu giếm bất cứ một tình tiết nào của vụ án, giúp cơ quan điều tra phát hiện tội phạm như: chỉ nơi ở của người đồng phạm khác hoặc dẫn cơ quan điều tra đi bắt người đồng phạm đang bỏ trốn, thu thập các dấu vết của tội phạm, thu hồi tang vật,... Nếu khai không rõ ràng hoặc khai báo không đầy đủ thì không được coi là tự thú để làm căn cứ miễn trách nhiệm hình sự.

Cùng với việc tự thú, người tự thú phải cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm như: trả lại tài sản đã chiếm đoạt; thông báo kịp thời cho người bị hại biết những gì đang đe dọa tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự hoặc tài sản để họ đề phòng; đòi lại hoặc thu lại những nguồn nguy hiểm mà họ đã tạo ra cho người khác hoặc những lợi ích khác...

Ngoài việc tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm thì họ còn phải lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận thì mới có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Các điều kiện quy định tại điểm c khoản 2 Điều 29 BLHS là những điều kiện cần và đủ để các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét có miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội hay không, nếu thiếu một trong những điều kiện trên thì không được xem xét miễn trách nhiệm hình sự.

2.4. Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự”, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Căn cứ vào điều 9 Bộ luật hình sự 2015: “Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù”.

Yếu tố lỗi cố ý hay vô ý được quy định tại điều 10 và điều 11 Bộ luật hình sự như sau:

“Cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:

1. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;

2. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.”

“Vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:

1. Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được;

2. Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.”

Như vậy, việc hòa giải giữa người phạm tội với người bị hại chỉ đối với hai loại tội phạm, đó là tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng (không phân biệt tội phạm do cố ý hay vô ý) gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, còn đối với các tội phạm khác (tội phạm nghiêm trọng do cố ý, tội phạm rất nghiêm trọng (không phân biệt tội phạm do cố ý hay vô ý) thì không được hòa giải để người bị hại đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Tuy nhiên, trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng xét thấy không thể miễn thì phải giải thích rõ lý do và phải coi đây là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Nói tóm lại, để có thể được miễn trách nhiệm hình sự thì người có hành vi phạm tội phải đạt được đầy đủ các điều kiện quy định trong mỗi trường hợp tại điều 29 Bộ luật hình sự. Trong đó, một vài trường hợp không đương nhiên được miễn mà còn phụ thuộc vào sự đánh giá về tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng. Ngoài ra, miễn trách nhiệm hình sự còn được quy định ở một số điều khoản khác của bộ luật hình sự như: Điều 16, khoản 2 Điều 91, khoản 4 Điều 110, khoản 4 Điều 247, đoạn 2 khoản 7 Điều 364, khoản 6 Điều 365 và khoản 2 Điều 390.

══════════════════════════════════

ĐOÀN LUẬT SƯ TP HÀ NỘI - CÔNG TY LUẬT HÙNG BÁCH

Liên hệ Luật sư làm việc tại Văn phòng, chi nhánh ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Nhật Bản,... theo các phương thức sau:

Email: Luathungbach@gmail.com/Luathungbach.hcm@gmail.com

Điện thoại: 0971115989 (có Zalo) 

Fanpage: https://www.facebook.com/LuatHungBach

Website: https://lhblaw.vn/ - https://luathungbach.vn/ - http://trungtamdichuc.com/

Luật Toàn Dân - Pháp luật dành cho mọi người dân!

 

 

Chia sẻ bài viết


facebook.png twitter.png google-plus.png

Tìm kiếm






Hotline: 0969 449 828

Dịch vụ nổi bật